Xử lý chuột rút khi bơi
Ngay cả những vận động viên bơi lội cừ khôi cũng đều rất sợ bị chuột rút. Cơn đau do chuột rút sẽ làm giảm khả năng bơi lội hoặc nghiêm trọng hơn có thể gây chết đuối.
Ảnh minh họa.
Hiện tượng nhận biết: Chuột rút là bắp chân, phần cơ bụng hoặc cánh tay đột nhiên bị đau, bạn không thể co hoặc duỗi ra như bình thường vì đau.
Nguyên nhân: Chuột rút có thể do nhiều nguyên nhân như bạn vận động quá mạnh mà trước đó không khởi động làm cho cơ bị ảnh hưởng, cũng có thể do lượng muối trong máu thấp.
Các nguy cơ hạ thân nhiệt, nhiễm lạnh, hạ đường huyết dẫn đến "chuột rút" thường xảy ra với những bạn ở trong nước lâu, hay xuống nước lúc trời mới sáng hay nhá nhem tối, hay bỏ bữa trước đó.
Cách xử lý:
Nếu chẳng may điều này xảy ra trong khi bạn đang đằm mình trong làn nước, nên nhớ, khi không có khả năng bơi vào bờ, bạn càng hoảng loạn quẫy đạp lung tung thì càng mau chìm. Do vậy, nếu sóng không lớn lắm, hãy bình tĩnh thả ngửa cơ thể trên mặt nước chờ người đến cứu.
Khi giơ tay cầu cứu chỉ nên giơ một tay. Ảnh minh họa.
Khi giơ tay cầu cứu chỉ nên giơ một tay còn một tay kia để đập nước để giữ cho cơ thể nổi trên mặt nước. Khi đã bị chuột rút, không nên xuống nước lần nữa, hãy nghỉ ngơi và đi bơi vào ngày hôm sau.
- Nếu cơ bụng bị chuột rút (rất nguy hiểm), phải bình tĩnh thả lỏng toàn thân trong tư thế dang rộng tay chân, từ từ hít sâu và dùng tay bấm các huyệt xung quanh, xoa nhẹ nhàng lên vùng chuột rút rồi nhờ người xung quanh đưa lên bờ.
- Khi bị chuột rút ở các vùng cơ khác cần tìm cách lên bờ hay ít ra cố lết đến vùng nước nông, sau đó tự mình hay nhờ bạn bè giúp chữa chuột rút bằng các cách sau:
+ Chuột rút ở bắp chân (thường gặp nhất) hãy gắng nhỏm dậy duỗi thẳng chân, đứng bằng gót và ngón giúp cơ bắp vế giãn ra. Có thể gọi người giúp bằng cách nằm xuống giữ chân thẳng tối đa và nhờ ai đó đẩy mạnh các ngón bàn chân ngược về hướng đầu gối.
+ Chuột rút ở đùi, nên ngồi xuống, người giúp kéo chân nạn nhân ra thật thẳng, đồng thời nâng gót chân lên cùng lúc dùng tay kia ấn mạnh đầu gối xuống.
- Trường hợp chứng chuột rút cơ xương sườn, bạn phải hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực. Uống nước trà đường nóng, cà phê pha ngọt, nước oresol, nước cam, nước chanh... Sau khi đã qua cơn đau, về nhà bạn có thể tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt.
Lưu ý:
- Chuột rút do thiếu ôxy có thể được chữa bằng việc hít thở sâu, và làm giãn cơ.
- Chuột rút do thiếu nước và muối ăn có thể chữa bằng việc giãn cơ, uống thêm nước và ăn thêm muối.
Cách đề phòng để không bị chuột rút khi tắm biển
- Tuân thủ là vận động và tập một số động tác cơ bản trước khi xuống nước. Nếu không khởi động mà chạy xuống nước ngay, các cơ trong cơ thể chưa kịp thích ứng nên có thể dẫn đến chuột rút.
Những động tác khởi động đơn giản như xoay cổ tay, cổ chân, xoay khớp cổ, tập chạy tại chỗ hoặc tập chạy cự ly ngắn nhẹ nhàng. Không nên tập gắng sức, tập quá nặng sẽ ảnh hưởng sức khỏe khi bơi lội. Khởi động trong vòng 10-15 phút là vừa đủ.
- Ngoài ra, bạn có thể uống thêm các loại nước khoáng, nước chanh. Lưu ý hàng ngày uống đủ nước, không để khát khi xuống nước.
- Không đi bơi, tắm biển khi bụng đói, sau khi say xe, cơ thể ốm hoặc mệt mỏi. Ngoài ra, lúc ăn no cũng không nên xuống nước bởi lúc này rất dễ thiếu oxy cung cấp cho các nhóm cơ cho nên dễ xảy ra chuột rút.
- Sau khi khởi động xong, lúc xuống biển cũng nên từ từ không nên quá vội vàng. Xuống nước từ từ sẽ giúp cho cơ thể bạn dần thích nghi với môi trường dưới nước một cách dễ dàng hơn.
- Khi cảm thấy mỏi cơ, người bơi cần giảm dần tốc độ, bơi vào gần bờ hoặc gần phương tiện cứu hộ, sau đó thả lỏng toàn thân trong tư thế nổi 3-5 phút rồi lên bờ.
- Trường hợp đang bơi mà cảm thấy rét lạnh thì phải lên bờ ngay, tìm nơi kín gió hoặc có lửa để sưởi ấm; có thể uống một ít nước trà đường nóng.